Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Hải – Bác sĩ Nhi – Sơ sinh – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Bổ sung sữa công thức cho trẻ khi đang bú sữa mẹ có được hay không là thắc mắc của khá nhiều bậc phụ huynh, đặc biệt, trong trường hợp nguồn sữa mẹ bị hạn chế.
1. Trẻ có thể vừa bú mẹ và bổ sung thêm sữa công thức không?
Mặc dù các chuyên gia sức khỏe khuyên rằng sữa mẹ là nguồn thực phẩm duy nhất cho bé cho đến tuổi ăn dặm (thường đến 6 tháng, tùy thuộc vào sự sẵn sàng của trẻ). Tuy nhiên, cha mẹ có thể lựa chọn bổ sung sữa công thức khi cho con bú vì lý do sức khỏe mà mẹ không thể cho trẻ bú mẹ hoàn toàn được do bệnh lý, sử dụng một số thuốc đặc biệt…Bổ sung thêm sữa công thức là điều cần thiết nhằm cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ trong trường hợp trẻ không có điều kiện để được bổ sung nguồn sữa mẹ quý giá.
Thử sức cùng Trắc nghiệm: Vì sao mẹ sinh mổ xong khó có sữa ngay?
Vì sao mẹ sinh mổ xong khó có sữa ngay là thắc mắc và lo lắng chung của nhiều sản phụ. Bài trắc nghiệm này sẽ giúp sản phụ giải đáp thắc mắc cũng như tìm hiểu được phương pháp gọi sữa về sau sinh mổ.
Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Tạ Quốc Bản – Trưởng khoa Sản phụ – Khoa Sản phụ khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
2. Việc bổ sung sữa công thức có ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ?
Sữa mẹ tiết ra nhiều hay ít phụ thuộc vào nhiều yếu tố, một trong số đó là nhu cầu của bú sữa của trẻ, khi trẻ bú nhiều sẽ kích thích làm cho lượng sữa mẹ tiết ra nhiều hơn, còn nếu trẻ ít bú thì lượng sữa mẹ tiết ra sẽ ít dần.
Chính vì vậy mà nhiều bà mẹ lo lắng nếu như cho trẻ uống thêm sữa công thức thì thời gian bú sữa mẹ sẽ giảm, từ đó làm giảm lượng sữa tiết ra. Điều này hoàn toàn là suy nghĩ hợp lý, tuy nhiên nếu bạn bổ sung một hoặc hai bình sữa công thức mỗi tuần cho trẻ, ảnh hưởng của việc bổ sung sữa công thức đối với nguồn sữa của mẹ sẽ là tối thiểu. Nhưng nếu trẻ bổ sung bằng sữa công thức thường xuyên, như cho trẻ ăn một ngày một bình, nguồn sữa của mẹ sẽ điều chỉnh theo nhu cầu giảm dần của trẻ.
3. Làm thế nào để biết trẻ uống đủ sữa?
Có không ít bà mẹ lo lắng rằng nguồn sữa tự nhiên của mình không đủ cho con bú. Nếu bạn cũng lo lắng vì điều này hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn. Dưới đây là 3 dấu hiệu giúp cho mẹ biết trẻ đang được bú đủ sữa:
- Trẻ tăng cân đầy đủ: Bác sĩ sẽ đo cân nặng em bé trong mỗi lần khám kiểm tra để theo dõi sự phát triển của bé. Sau 5 ngày đầu tiên sau sinh, trẻ nên tăng từ 14 đến 28g mỗi ngày trong 3 tháng đầu tiên, và 14g mỗi ngày trong khoảng từ 3 đến 6 tháng.
- Nhiều tã ướt và bẩn: Trẻ sơ sinh nên thay ít nhất 4-6 tã ướt và nhiều hơn 3 tã đại tiện trong khoảng thời gian 24 giờ
- Trẻ bú thường xuyên: Trong 1 ngày, trẻ nên bú ít nhất từ 8 đến 12 lần trong tháng đầu tiên sau sinh và ít nhất 7 lần sau đó. Nghe thấy tiếng trẻ bú chóp chép là dấu hiệu tốt cho thấy trẻ đang bú sữa.
4. Dấu hiệu cho thấy trẻ cần bổ sung sữa công thức?
Hãy trao đổi với bác sĩ nếu mẹ có bất kỳ lo ngại nào về việc tăng cân, tăng trưởng hoặc thói quen ăn uống của trẻ. Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy trẻ chưa bú đủ hoặc có vấn để cần phải thăm khám:
- Giảm cân nhiều hơn bình thường ở trẻ sơ sinh: Em bé giảm tới 10% trọng lượng sơ sinh trong 5 ngày đầu đời. Sau 2 tuần, trẻ sẽ trở lại cân nặng khi sinh
- Trẻ đi vệ sinh ít, chỉ thay tầm 6 tã ướt trong khoảng thời gian 24 giờ khi trẻ được 5 ngày tuổi
- Khó chịu mỗi khi bú và hầu như xảy ra mọi thời gian trong ngày.
- Khoảng cách giữa các cữ bú rất ngắn hoặc rất dài. Nếu bé thường bú ít hơn 10 phút hoặc nhiều hơn 50 phút một lần, điều đó có nghĩa là trẻ không bú đủ sữa.
- Trẻ nôn trớ nhiều sau bú, làm trẻ không hoặc chậm tăng cân, nôn ra dịch máu
5. Khi nào cần bổ sung sữa công thức cho trẻ?
Mẹ có thể bắt đầu bổ sung sữa công thức cho trẻ bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, các chuyên gia và bác sĩ tư vấn khuyên mẹ nên đợi cho đến khi trẻ được ít nhất 4 tuần tuổi. Vì đây là khoảng thời gian để hình thành thói quen bú sữa mẹ và kích thích nguồn sữa mẹ tiết ra đều đặn. Sau thời gian này, việc thỉnh thoảng bổ sung một bình sữa công thức sẽ không phá vỡ thói quen này.
Nếu bé gặp vấn đề nào đó, chẳng hạn như tăng cân không đủ hoặc nguồn sữa mẹ hạn chế, bác sĩ có thể đề nghị mẹ bổ sung sữa công thức sớm hơn. Mẹ nên bổ sung sữa công thức cho trẻ trong các trường hợp sau đây:
- Mẹ không có đủ lượng sữa cho bé: Thông thường, sữa mẹ sẽ tiết ra nhiều nếu trẻ bú mẹ nhiều. Tuy nhiên, nếu mẹ gặp phải vấn đề nào đó chẳng hạn như phải nằm viện, mẹ và bé bị tách ra lâu hơn bình thường, bé không bú tốt, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc sản xuất sữa. Ngay cả khi mọi thứ đều bình thường, có một số phụ nữ vẫn không thể tiết đủ sữa cho bé. Điều này diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là ở những phụ nữ từng phẫu thuật ngực hoặc phụ nữ lớn tuổi. Nếu bé vẫn đòi bú tiếp sau khi bạn đã cho bé bú hết sữa của bạn, thì có khả năng sữa của bạn không đáp ứng đủ nhu cầu của bé. Hãy hỏi bác sĩ về cân nặng của bé và sau đó theo dõi xem mỗi lần bé bú được bao nhiêu. Bạn có thể vắt sữa để tăng lượng sữa sản xuất, ngoài việc cho bé bú theo cách thông thường hoặc cho bé bú thêm sữa công thức trong thời gian ngắn.
Gợi ý: So với vắt sữa, cho bé bú sẽ kích thích sữa sản xuất nhiều hơn. Một số phụ nữ thường quyết định ngưng cho bé bú và vắt sữa khi bị đau núm vú. Tuy nhiên, lượng sữa tiết ra của bạn có thể bị giảm bởi điều này. Nếu bé chưa quen với việc bú bình, hãy chuẩn bị cho bé một bình sữa nhỏ. Nếu bạn sinh đôi, bạn có thể cho một bé bú mẹ và một bé bú bình, sau đó đổi ngược lại vào lần bú sau.
- Mẹ không thể vắt sữa: Khi bắt đầu đi làm lại, một số mẹ thường quyết định ngừng cho con bú. Điều này diễn ra khá phổ biến vì việc vắt sữa ở công ty thường khiến các bà mẹ cảm thấy căng thẳng và bất tiện. Tuy nhiên, bằng cách cho bé uống sữa công thức khi bạn đi làm, bạn vẫn có thể duy trì cho bé bú sữa mẹ trước và sau khi đi làm về. Điều này không những giúp trẻ nhận được những dưỡng chất cần thiết từ sữa mẹ và sữa công thức, mà còn giúp bạn bớt căng thẳng. Cơ thể bạn sẽ thích nghi với việc sản xuất sữa khi bé cần trong vòng 1 đến 2 tuần, sữa sẽ tiết ra nhiều vào sáng sớm và ban đêm.
Gợi ý: Hãy bắt đầu vắt sữa và cho bé bú bình từ 1 – 2 lần trong ngày trong khoảng vài tuần trước khi bạn đi làm trở lại . Điều này sẽ giúp lượng sữa tiết ra vào buổi trưa giảm xuống. Khi đi làm, nếu bạn cảm thấy ngực căng tức khó chịu, hãy vào nhà vệ sinh và vắt sữa một cách nhẹ nhàng. Vào những ngày cuối tuần, để duy trì việc sản xuất sữa, bạn hãy cố gắng cho bé bú mẹ cả ngày.
- Mẹ muốn ngủ nhiều hơn: Nhiều mẹ có thể thích nghi với việc thức dậy vào ban đêm để cho trẻ bú nhưng một số người khác lại rất khó thích nghi với điều này. Thức đêm khiến mẹ mệt mỏi, căng thẳng và khiến nhiều người rơi vào trầm cảm. Để duy trì một trạng thái tinh thần khỏe mạnh, giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Gợi ý: Để bạn có thể ngủ một giấc trọn vẹn đến giữa đêm, bạn có thể nhờ chồng cho bé bú sữa vắt ra bình hoặc sữa công thức vào 11 giờ tối. Mặc dù ban đầu bạn có thể thấy khó chịu nhưng theo thời gian, cơ thể bạn sẽ quen dần.
6. Cách tốt nhất để cho trẻ uống sữa công thức
Nếu trẻ chưa bao giờ bú sữa trong bình, trẻ có thể chưa quen trong thời gian đầu với nguồn thức ăn mới này. Đó là bởi vì trẻ đã quen với mùi cơ thể mẹ và thích sữa mẹ hơn. Nhưng nếu bé nhà bạn đã từng bú sữa mẹ trong bình, việc chuyển sang sữa công thức có thể dễ dàng hơn một chút, mặc dù bé có thể hếch mũi vào bình sữa công thức.
Ban đầu, trẻ sơ sinh có thể từ chối sữa công thức trong bình. Mẹ hãy kiên nhẫn và cố gắng để bé có thời gian làm quen với hương vị thức ăn mới.
Bộ kích sữa có tên tiếng anh là supplemental nursing system-SNS. Đây là dụng cụ giúp bạn vừa nuôi con nhỏ và cho bé uống sữa công thức ( hoặc vắt sữa mẹ) cùng một lúc. Bạn chỉ cần gắn hai dây kích thích tạo sữa vào hai vú, đeo lên cổ phần dùng để chứa khi sữa chảy về. Đồng thời đây cũng là bộ phận dùng để bóp, kích thích tạo sữa.
Khi trẻ bú, trẻ sẽ nhận được nguồn sữa công thức bổ sung, cùng với dòng sữa mẹ. Bộ kích sữa cho phép trẻ tiếp tục bú mẹ, tránh bất kỳ ưu tiên nào cho bình sữa, đồng thời kích thích sản xuất nguồn sữa mẹ.
7. Bổ sung sữa công thức khi đang bú sữa mẹ có ảnh hưởng đến trẻ không?
Trẻ có thể bắt đầu từ chối bú mẹ nếu bổ sung sữa công thức thường xuyên. Bình sữa cung cấp sữa nhanh hơn trẻ bú vú mẹ, vì vậy, nếu trẻ bú nhiệt tình, thì có khả năng trẻ sẽ thích bú bình hơn.
Khi trẻ uống sữa công thức, khoảng cách giữa các cữ ăn dài hơn. Đó là bởi vì trẻ sơ sinh tiêu hóa sữa công thức chậm hơn tiêu hóa sữa mẹ. Vì vậy, trẻ có thể cảm thấy no lâu hơn.
Phân của trẻ sẽ khác. Phân sẽ trở nên cứng hơn ( như khoảng độ đặc của bơ đậu phộng), có màu nâu và có mùi mạnh hơn. Trẻ cũng có thể ít đại tiện thường xuyên hơn.
8. Trẻ có thể bị dị ứng với sữa công thức không?
Nếu phân của trẻ có máu khi mới uống sữa công thức, hoặc nếu trẻ quấy khóc bất thường, nôn mửa hoặc phát ban, nổi mề đay hoặc tiêu chảy, trẻ có thể không dung nạp đường sữa hoặc dị ứng với protein sữa bò hoặc đậu nành trong sữa công thức. Mẹ nên gọi cho bác sĩ để được tư vấn thêm.
Trong trường hợp trẻ phản ứng nghiêm trọng hơn, như sưng mặt hoặc môi, thở khò khè hoặc khó thở, cần gọi cấp cứu và đưa trẻ đi bệnh viện ngay lập tức. Phản ứng dị ứng nghiêm trọng này có thể đe dọa tính mạng trẻ.
Mẹ nên nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia tư vấn cho con bú. Ngoài ra, đọc thêm về các vấn đề và giải pháp khi cho trẻ bú sữa công thức trên các trang web uy tín, sách…
Bổ sung sữa công thức khi cho con bú là một hành trình mới cho cả mẹ và bé. Do đó, sự kiên nhân từ cả phía mẹ và con là điều hết sức cần thiết.
Trẻ sơ sinh nhìn chung dễ gặp bệnh về đường hô hấp, các bệnh lý nhiễm trùng đường tiêu hóa nếu bé ăn dặm sớm hoặc việc lưu trữ và pha chế sữa không đảm bảo. Để bảo vệ sức khỏe của trẻ, cha mẹ nên thực hiện tốt việc cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu (nếu được) và tiêm vắc-xin đúng lịch. Ngay khi thấy trẻ có các triệu chứng như biếng ăn, mệt mỏi, quấy khóc thì cần đứa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn theo dõi và điều trị. Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,… Với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh, Vinmec sẽ mang lại sự hài lòng cho Quý khách hàng và được các chuyên gia trong ngành đánh giá cao với:
- Quy tụ đội ngũ y bác sĩ hàng đầu về Nhi khoa: gồm các chuyên gia đầu ngành, có trình độ chuyên môn cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ), giàu kinh nghiệm, từng công tác tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, 108.. Các bác sĩ đều được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có tâm – tầm, am hiểu tâm lý trẻ. Bên cạnh các bác sĩ chuyên khoa Nhi trong nước, khoa Nhi còn có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài (Nhật Bản, Singapore, Úc, Mỹ) luôn tiên phong áp dụng những phác đồ điều trị mới nhất và hiệu quả nhất.
- Dịch vụ toàn diện: Trong lĩnh vực Nhi khoa, Vinmec cung cấp chuỗi các dịch vụ khám – chữa bệnh liên hoàn từ Sơ sinh đến Nhi và Vaccine,… theo tiêu chuẩn Quốc tế để cùng bố mẹ chăm sóc sức khỏe bé từ khi lọt lòng đến tuổi trưởng thành
- Kỹ thuật chuyên sâu: Vinmec đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu giúp việc điều trị các căn bệnh khó trong Nhi khoa hiệu quả hơn: phẫu thuật thần kinh – sọ, ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị ung thư.
- Chăm sóc chuyên nghiệp: Ngoài việc thấu hiểu tâm lý trẻ, Vinmec còn đặc biệt quan tâm đến không gian vui chơi của các bé, giúp các bé vui chơi thoải mái và làm quen với môi trường của bệnh viện, hợp tác điều trị, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!
Nguồn tham khảo: babycenter.com